thư Mục Vụ Tháng 08

 
   

            

 

 
 

Quý Ông bà, Anh chị em, Thanh niên
nam nữ và Thiếu nhi thân mến.

 

 

 

 

A. SINH HOẠT MỤC VỤ

Ý cầu nguyện :

Đại dịch Corona nguy hiểm chết người chúng ta không chủ quan. Hơn 213 quốc gia, vùng lãnh thổ có người mắc bệnh (12.841.504) số người tử vong ngày một tăng, cả thế giới 567.628 người đã chết tính đến lúc 09g20 ngày 12/07/2020 (nguồn Worldometers). Việt Nam chúng ta không ai phải chết, chính phủ đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Chúng ta ơn Chúa và tiếp tục cầu nguyện cho các quốc gia đang vật lộn với cơn  đại dịch.

Vấn nạn thất nghiệp, nạn đói và các tệ nạn cướp bóc... đang dâng cao trong cộng đồng dân cư do ảnh hưởng cơn đại dịch lan tràn kéo dài, chưa kiểm soát và khống chế được nó.

 Nguyện xin Chúa cho cơn đại dịch Corona mau chóng được dập tắt. Cho những nhà khoa học sớm tìm ra Vắcxin, thuốc uống ngừa bịnh trong cộng đồng. Những nạn nhân nhiễm Corona và các gia đình được mau chóng bình phục và thế giới lại bình an trong sự quan phòng của lòng Chúa xót thương.

Cho những nhà khoa học, y bác sĩ nhân viên y tế trong tuyến đầu trị liệu và gia đình, con cái họ đã hy sinh trong công cuộc chiến chống virút Corôna cũng được sự bình an và quan phòng của Chúa. nguyện xin Chúa chúc lành cho thế giới.

(GÍAO HUẤN SỐ 36)

CÁC BÍ TÍCH CỦA ĐỨC KITÔ

"Dựa vào giáo lý của các Sách Thánh, vào các truyền thống Tông Đồ... và sự đồng tâm nhất trí của các Giáo phụ" (Công Đồng Triđentinô), chúng tôi tuyên xưng rằng "tất cả các bí tích của Luật Mới... đều do Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta thiết lập" (Công Đồng Triđentinô).

Những lời nói và hành động của Chúa Giêsu, trong quãng đời ẩn dật cũng như trong thừa tác vụ công khai của Người, đều có tính chất cứu độ. Chúng tham dự trước vào quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Chúng loan báo và chuẩn bị nhũng gì Người sẽ ban cho Hội Thánh khi mọi sự được hoàn tất. Các mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô là nền tảng cho những gì Người ban phát trong các bí tích nhờ các thừa tác viên của Hội Thánh Người, bởi vì "điều hữu hình nơi Đấng cứu độ chúng ta được chuyển vào trong các bí tích" (Thánh LÊÔ cả).

(Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1114 - 1115).

 

TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG CHRISTUS VIVIT

(ĐỨC KITÔ HẰNG SỐNG) CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ (tt)

(catechesis.net) May 1, 2019 

CHƯƠNG SÁU

NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ

  1. Đôi khi tôi nhìn những cây nho nhỏ xinh xinh, cành chúng vươn lên trời, cứ vươn lên cao hơn mãi, và thấy chúng như một bài ca hy vọng. Rồi, sau một cơn bão, tôi thấy chúng ngã gục và đã chết. Chúng thiếu những bộ rễ sâu. Chúng vươn cành lên trong khi không được cắm chặt dưới đất, và vì thế chúng ngã gục ngay khi thiên nhiên nổi cơn tam bành. Vì thế tôi ái ngại khi nhìn các bạn trẻ đôi khi được khuyến khích xây dựng một tương lai mà không có gốc rễ, như thể thế giới chỉ mới vừa xuất hiện! Vì “chúng ta không thể lớn lên nếu không có bộ rễ mạnh nâng đỡ và giữ vững mình. Thật dễ trôi giạt, khi không có gì để níu bám vào”. [98]

Đừng để mình bị bật rễ

  1. Đây là một vấn đề quan trọng, và tôi muốn dành một chương ngắn để thảo luận về nó. Nếu chúng ta trân trọng vấn đề này, chúng ta có thể phân biệt niềm vui của tuổi trẻ với một sự sùng bái tuổi trẻ đầy sai lầm vốn có thể được lợi dụng để lôi kéo và dẫn dụ người trẻ.
  2. Thử nghĩ, nếu có kẻ nào đó bảo giới trẻ phớt lờ lịch sử của họ, tẩy chay những kinh nghiệm của các bậc tiền bối, xem thường quá khứ và hướng tới một tương lai do y vẽ ra cho, thì như vậy há không dễ trở thành chuyện kẻ ấy lôi kéo giới trẻ để họ chỉ làm điều mà y bảo họ làm đó sao? Kẻ ấy muốn các bạn trẻ nông cạn, trốc rễ và nghi nan, để họ chỉ tin vào những lời hứa của y và hành động theo các kế hoạch của y. Đó là cách mà các ý thức hệ khác nhau vận hành: chúng tàn phá (hay làm phân rã) mọi sự khác biệt để chúng có thể cai trị mà không bị phản kháng. Tuy nhiên để được vậy, chúng cần những người trẻ coi thường lịch sử, những người vứt bỏ các kho tàng nhân bản và thiêng liêng thừa hưởng từ các thế hệ đi trước, những người không ý thức gì về mọi sự xảy ra trước mình.

SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG (tt)

  1. Vị Thánh loan báo Tin Mừng gốc Á châu đầu tiên, cha Jose Vaz:

Cha Jose Vaz sinh tại Goa năm 1651 trong một gia đình Công giáo đạo hạnh. Goa là thuộc địa của Bồ Đào Nha, có học viện của Dòng Tên, Dòng Đaminh. Jose Vaz đã học ở cả hai học viện đó và được thụ phong linh mục…Cha Vaz làm việc mục vụ rất thành công ở Goa nhưng ngài lại hướng sang Tích Lan vì người Công giáo ở đây đang bị bách hại và cha quyết tìm cách xâm nhập vùng dữ này. Tích Lan đã được các Thừa sai Bồ Đào Nha giảng đạo từ 1505. Nửa thế kỷ sau, người Hà Lan chiếm đóng, đưa Tin lành phái Calvin vào, đuổi các linh mục đi, chiếm các Nhà thờ, ép người Công giáo cải đạo. Ai còn trung thành với đức tin Công giáo phải giữ đạo "chui", không Nhà thờ, không cộng đoàn, không linh mục, không một cử hành Công giáo nào. Mạng sống tín hữu Công giáo luôn bị đe dọa.

Năm 1686 cha Jose Vaz rời bỏ quê cha đất tổ, giả làm ăn mày vừa đi xin ăn vừa học tiếng Tamil, một năm sau mới đặt chân được trên đất Tích Lan trong tư cách một phu khuân vác. Ngày lao động, đêm đến với giáo dân, làm các Bí tích cho họ. Ngấm ngầm tổ chức thành từng nhóm bí mật liên lạc với nhau, có giáo lý viên dạy con em, dự tòng… Đêm Giáng Sinh năm 1689 quân Hà Lan ập tới, đập phá ảnh tượng, bắt 300 người đánh đập,tống ngục. Riêng người trưởng nhóm bị xử tử, thêm 7 tân tòng chết vì bị đánh đập tra tấn. May thay cha Vaz trốn thoát, chạy sang vương quốc Kandy, bị bắt tù 3 năm, cha lợi dụng thời gian này học tiếng Tích Lan, để sẵn sàng giảng đạo cho dân bản xứ (ở khoảng giữa đảo Tích Lan). Được tha, cha còn được vua cho phép truyền đạo, cha liền kéo thêm linh mục từ Goa sang, tiếp cận dân chúng, thực thi bác ái giữa họ nhất là trong trận dịch đậu mùa năm 1697. Dân chúng cảm phục và xin theo đạo rất đông. Cha Vaz vẫn thường xuyên băng rừng lội suối để thăm viếng nâng đỡ tinh thần giáo dân. Cha làm việc suốt ngày, đêm thì đọc kinh cầu nguyện, y như Thánh Phanxicô Xaviê xưa…

Cha Vaz còn soạn sẵn sách giáo lý, sách kinh bằng tiếng Tích Lan và Tamil để loan truyền đức tin…Nhờ lòng nhiệt thành và can đảm của cha Jose Vaz mà ngày nay Tích Lan có hơn 1 triệu người Công giáo chiếm 7,5% dân số 17 triệu. Cha qua đời ngày 16/1/1711. Ngày 21/1/1995 Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II tôn phong Chân phước, và ngày 14/ 1/2014 Đức Thánh Cha Phanxicô phong Hiển thánh cho cha Jose Vaz tại Colombo nhân chuyến tông du châu Á của ngài.

 

  1. Tín hữu thời kỳ Phân Tháp:

"Một trong những văn bản cấm đạo của nhà Nguyễn có ảnh hưởng mạnh và trực tiếp tới Giáo hội cơ sở trong suốt thời kỳ cấm đạo chính là chỉ dụ Phân Tháp của vua Tự Đức tháng 7/1861. Nội dung chính sách Phân Tháp của nhà Nguyễn là xé lẻ các cư dân trong gia đình Công giáo, phát tán vào làng không Công giáo, tiến tới mục đích là loại bỏ làng Công giáo, cũng có nghĩa là xóa bỏ tổ chức Giáo hội cơ sở: xứ, họ đạo, những hạt nhân quan trọng của Giáo hội công giáo trong công cuộc loan báo Tin Mừng" (Ngô Quốc Đông, nguyệt san CG&DT số 227 tháng 11/2013, trang 124). Cha ông chúng ta đã nhẫn nhục làm chứng bằng đời sống theo lý tưởng Tin Mừng và đã hóa giải được thái độ thù ghét của những gia đình quản chế các ngài. Tới thế kỷ 20 tại Việt Nam, chúng ta chứng kiến những quá trình hình thành các cộng đoàn tín hữu cách ngoạn mục.

 

 

B. THÔNG BÁO

  • KHAI TRƯƠNG NHÀ CHẦU THÁNH THỂ

Thứ năm ngày 23.07.2020 sau lễ sáng.

             Kính thưa cộng đoàn dân Chúa, do nhu cầu của cộng đoàn. Cha Xứ, Cha Phụ Tá, HĐMV nhận thấy nhà Chầu cũ tầng 01 không thuận tiện cho các cụ lớn tuổi và nhu cầu muốn tâm sự cùng Chúa trong ngày. Quý Cha cùng bàn bạc với HĐMV tham vấn các cụ lão thành trong giáo xứ nên đi đến quyết định làm một nhà Chầu mới phía sau sát cạnh phòng HĐMV hướng khu I để bà con giáo dân thuận tiện việc Chầu Chúa, cầu nguyện, tâm sự cùng Chúa suốt ngày.

             Thời gian mở và đóng cửa : Từ lễ sáng mỗi ngày 06g - 21g.

Các cụ lớn tuổi ngồi xe lăn, đau yếu dự lễ qua màn hình tại Nhà Chầu có thừa tác viên xuống cho rước MTC trong các giờ lễ.

             Chân thành cảm ơn những người giúp công, giúp của, giúp đóng góp ý kiến để chúng tôi sớm hoàn tất Nhà Chầu Thánh Thể khang trang sạch đẹp cho bà con giáo dân đến viếng Chúa.

  • ĐƯỢC LÀM CON CHÚA THÁNG 07/2020:

Trong tháng Bảy, Giáo Xứ chúng ta có 10 em gia nhập cộng đoàn làm con Chúa.

08 anh chị em Tân Tòng gia nhập cộng đoàn làm con Chúa.

Chúc mừng các anh chị em và gia đình các anh chị em.

  • Giáo xứ

Chúng ta có trang thông tin điện tử mọi tin tức, thư Mục Vụ, Cơm Nhân Ái, Giới Trẻ, Đoàn Thiếu Nhi... có đăng trên đó.

Đặc biệt Cha Xứ chia sẽ Lời Chúa cho cộng đoàn mời cộng đoàn vào xem và đọc.

Địa chỉ : tansachau.com

LƯU Ý:

          Từ trưa ngày 01/08 cho đến nửa đêm ngày 02/08, ai viếng nhà thờ giáo xứ, đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính, thì được hưởng ơn đại xá "Portiuncula", với những điều kiện theo thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng). Ân xá này chỉ được hưởng một lần mà thôi (Ench. Indulg., ấn bản 1999, concessio 33).

 

  • VỀ NHÀ CHA THÁNG 07/2020: (R.I.P)

Ông Giuse Phạm Hoành 19/07/2020.

Kính mong cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho ông Giuse và các linh hồn!

 

C . THÔNG CÁO

 

VỀ VIỆC ĐỌC SÁCH THÁNH

          Trong Giáo Hội, phận vụ nào cũng được trao ban từ cấp trên nên người thi hành nhiệm vụ đó được gọi là "Thừa tác viên". Tục ngữ Việt Nam có câu "Ăn có mời, làm có khiến."

          Trong thánh lễ có thừa tác viên giúp lễ ngày xưa có Chức giúp lễ nghĩa là "Chức Hai", rồi có thừa tác viên đọc sách tức là "Thầy Bốn", Thừa tác viên Thánh Thể "Thầy Sáu".

Sau Công Đồng các chức đọc Sách Thánh và giúp lễ được đơn giản hóa, giao cho chủ sự lựa chọn và chỉ định các "Thừa tác viên".

          Không ai được tự tiện đọc Sách Thánh nếu chủ sự không chỉ định.Anh chị em xin lễ cầu cho người nhà của mình không có nghĩa là được phép tự ý lên đọc Sách Thánh. Điều này là sai trái. Vì lễ cầu cho nhiều người xin, không chỉ riêng cho nhà mình, lại không có phép của chủ sự mà tự ý lên đọc Sách Thánh thì không đẹp lòng Chúa vì phận vụ đọc Sách Thánh đã được chỉ định là : Ca đoàn phụ trách hát lễ, thì chọn người của ca đoàn mình đọc Sách Thánh và đáp ca. Tự động lên đọc Sách Thánh là trái ý của chủ sự cũng là trái ý Chúa, vì "Ai nghe lời các con là nghe lời Thầy. Ai không nghe lời các con là không nghe lời thầy, ai kinh dể các con là kinh dể Thầy..." (Lc 10,16).

          Thánh Kinh đã ghi lại những lần Chúa phạt những ai tự ý (Không được chỉ định) mà làm những việc phụng vụ thánh.

  1. Trường hợp ông Utda : Khi Vua Đavit kiệu Hòm Bia về Thành Sion, xe chở Hòm Bia bị nghiêng, ông Utda không phải tư tế đưa tay ra đỡ Hòm Bia, Chúa phạt ông Utda chết tươi tại chỗ.(2 Sm 6,6-8)
  2. Luật về Lều Tạm : "Con cháu nhà Lêvi được Chúa giao coi sóc trước nhà tạm, ai khác mà tới gần sẽ phải chết" (Ds 1,51; 3,10).

          Con cái Chúa phải chăm chú thi hành đúng luật Chúa kẻo làm trái luật Chúa thì thay vì được phúc lại mang họa như 2 trường hợp trên.

                                                                 

                                         Tân Sa Châu, ngày 25/07/2020

                                                  Linh mục Chánh xứ

                                   

                                              

 
 

Lm Giuse Nguyễn Hữu Triết

 

 

 


© Copyright 2019-2024 Giáo Xứ Tân Sa Châu. Thiết kế bởi Zozo